Cuộc hẹn cuối tuần tối 23-3 có sự hội ngộ của hai "anh trai" Hà Lê và Tiến Đạt - Ảnh: VTV
Cuộc hẹn cuối tuần phát tối 23-3 có sự tham dự của hai rapper: Hà Lê và Đinh Tiến Đạt, thuộc thế hệ nghệ sĩ tiên phong của hip hop Việt Nam thời kỳ đầu tiên.
Dưới sự dẫn dắt của MC Long Vũ, họ cùng nhau kể về hành trình của hip hop Việt Nam.
Bài rap Việt đầu tiên là Vietnamese Gang
MC Long Vũ chia sẻ, bài rap Việt đầu tiên là Vietnamese Gang, được thực hiện bởi Khanh Nhỏ và Thái Việt G, xuất hiện ở Mỹ vào năm 1997.
Tuy nhiên phải tới những năm 2002 - 2006, dòng nhạc rap mới chính thức lộ diện và phổ biến với giới trẻ Việt Nam. "Đó cũng là thời kỳ mang đậm dấu ấn của thế hệ rapper F1 với những bản rap sơ khai cả về kỹ thuật lẫn chất lượng thu âm nhưng đã có thể tạo nên những ký ức khó quên với những 8X, 9X đời đầu", Long Vũ nói.
Trong ký ức của Hà Lê, lúc đó chưa phổ cập Internet nên anh không biết bên kia đại dương có hai rapper Thái Việt G và Khanh Nhỏ với bản rap Vietnamese Gang.
Song Hà Lê nhớ năm 1997, anh có đi xem một chương trình chuyên về hip hop ở trường cấp 2 Trưng Vương (Hà Nội).
"Ở đó quy tụ toàn nhóm nhảy hip hop của Hà Nội như Zig Zag, Big Toe… Lúc đó còn có cả anh Tuấn Hưng lên nhảy nữa", Hà Lê chia sẻ.
Tiến Đạt kể ở miền Nam khi đó, giới trẻ tiếp xúc với văn hóa hip hop thông qua những cuốn băng do các du học sinh gửi về.
Theo Hà Lê, năm 1992 được xem là năm hình thành hip hop ở Việt Nam với sự thành lập của nhóm nhảy Big Toe. Nhưng những hoạt động về nhảy cũng như các động tác của hip hop thực ra đã diễn ra từ những năm 1988 - 1989 nhờ những người ở Nga về mang theo những cuốn băng hip hop về cùng.
Nhóm Big Toe
Điệu Moonwalk truyền cảm hứng cho cả một thời
Ngoài bộ phận du học sinh, MC Long Vũ kể thêm, thời điểm đó kênh MTV cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến nhạc và văn hóa quốc tế tại Việt Nam, trong đó có hip hop.
Hà Lê nói nhờ MTV, anh biết đến nghệ sĩ quốc tế đầu tiên là Eminem. Lúc đó bản thân Hà Lê cũng không nghĩ hip hop lại phức tạp, rộng lớn và hay đến thế.
Còn Tiến Đạt, bản rap tiếng Việt đầu tiên anh nghe là vào năm 1996. Khi đó anh là một vũ công, có tham gia nhảy trong băng Duyên tình của Ngọc Sơn. Trong băng này, Ngọc Sơn vừa nhảy vừa hát vừa rap. Lúc đó anh chưa mê rap, chỉ thấy lạ khi một người như Ngọc Sơn lại rap.
Hai anh tài Hà Lê và Tiến Đạt cùng diễn chung trên sân khấu Cuộc hẹn cuối tuần - Ảnh: VTV
Nếu ở Hà Nội thời đầu có Big Toe thì ở trong Nam lại là vũ đoàn Hoàng Thông. Tiến Đạt kể khi tham gia vào Hoàng Thông, anh học được tất cả các thể loại, kể cả khiêu vũ quốc tế, tango, cha cha cha…
Hà Lê chia sẻ thêm trong những năm 1995, 1996, anh chưa biết nhảy là gì nhưng đã nghe tới vũ đoàn Hoàng Thông. Họ nhảy tất cả các thể loại, điệu, trong đó có điệu nhảy Moonwalk của Michael Jackson.
Cả Tiến Đạt và Hà Lê đều mê điệu này. Tiến Đạt kể mê quá đến nỗi ngủ cũng mơ thấy. Còn ở Hà Nội, theo lời Hà Lê, nhiều đám thanh niên Hà Nội tụ lại để tập nhảy theo điệu nhảy kinh điển này.
Rachel Zegler đóng vai chính trong phim Nàng Bạch Tuyết - Ảnh: IMDb
Đến tuần thứ ba trụ rạp, Quỷ nhập tràng vẫn giữ vững ngôi vị đầu bảng doanh thu dù có các phim mới như Nàng Bạch Tuyết, Nghề siêu khó nói, Yêu vì tiền điên vì tình...
Quỷ nhập tràng thu gần 11 tỉ đồng trong dịp cuối tuần qua, nâng tổng doanh thu phim lên 139 tỉ đồng. Doanh thu phim tăng ổn định do không có đối thủ mạnh ở phòng vé.
Nàng Bạch Tuyết thảm bại trước Quỷ nhập tràng
Trong dịp cuối tuần ra mắt, Nàng Bạch Tuyết (Snow White) có doanh thu chỉ 5,7 tỉ đồng tại Việt Nam. Đây là con số thấp ở mức kỷ lục so với một dự án phim bom tấn của Hollywood nói chung và Disney nói riêng.
Kinh phí phim dao động ở mức 240-270 triệu USD. Tại Bắc Mỹ, Nàng Bạch Tuyết cũng bị dự báo chỉ thu được 16 triệu USD mở màn. Doanh thu mở màn toàn cầu được dự báo là 45 triệu USD. Con số này không phải là tệ so với các phim bom tấn năm nay nhưng phim vẫn có nguy cơ lỗ nặng.
Trailer phim Nàng Bạch Tuyết
Còn tại Việt Nam, phim hầu như không gây chú ý, chỉ một số ít khán giả quan tâm và tới rạp xem (thể hiện qua con số doanh thu và mức độ thảo luận trên mạng xã hội).
Ngoài việc gây tranh cãi về nhan sắc và tạo hình của nữ diễn viên chính - một tranh cãi đã tồn tại dai dẳng nhiều năm, phim hầu như không được thảo luận thêm.
Để so sánh, phim Nàng tiên cá (năm 2023) - dù cũng gây tranh cãi gay gắt tương tự và có kinh phí tương tự là 240 triệu USD, đã thu về 95 triệu USD vào dịp cuối tuần mở màn, cao gấp đôi so với doanh thu dự kiến của Nàng Bạch Tuyết.
Cả Rachel Zegler và Gal Gadot đều bị chê vì những lý do khác nhau - Ảnh: Collider
Phiên bản làm lại của Disney có diễn viên chính là Rachel Zegler và Gal Gadot, trong vai Bạch Tuyết và hoàng hậu. Rachel Zegler được coi là ngôi sao tài năng của thể loại nhạc kịch, nổi tiếng nhất với vở West Side Story, và bộ phim của Disney bị cho là không xứng đáng với tiềm năng của cô.
Trong khi Zegler bị chê không phù hợp về mặt chủng tộc, có tạo hình xấu, thì Gal Gadot trong vai hoàng hậu bị chê diễn xuất tệ hại.
Thời phim ngoại "run sợ" trước phim Việt
Việc phim Việt ngày càng chiếm ưu thế ở phòng vé là chuyện không mới, nhưng điều đó ngày càng rõ ràng khi các dự án phim ngoại lớn hay nhỏ đều dễ dàng ngã ngựa trước phim Việt.
Ngoài Nàng Bạch Tuyết không vượt qua Quỷ nhập tràng, các phim mới như Nghề siêu khó nói, Yêu vì tiền điên vì tình cũng có doanh thu tệ.
Quỷ nhập tràng trụ rạp đến tuần thứ ba nhưng vẫn không có đối thủ ở phòng vé - Ảnh: ĐPCC
Nghề siêu khó nói ra mắt từ ngày 21-3, đến nay doanh thu mới hơn 3,1 tỉ đồng. Phim tiếp nối các phim hài Hàn Quốc ở thị trường Việt, được quảng bá mạnh về yếu tố hài, giải trí nhưng vẫn thiếu sức hút.
Trong khi đó, Yêu vì tiền điên vì tình (Love lies) là một phim tình cảm khá tốt của Hong Kong, gắn với vấn đề thời sự là chuyện lừa đảo qua mạng.
Phim cũng mời các ngôi sao người Việt như Hồng Đào, Quốc Trường lồng tiếng để tăng sự gần gũi. Nhưng phim không có các ngôi sao phòng vé quen thuộc với khán giả Việt, doanh thu chỉ đạt hơn 860 triệu đồng.
Trận chiến cuối cùng giữa Deku và phản diện Shigaraki sẽ chính thức kết thúc hành trình gần một thập kỷ của My Hero Academia - Ảnh: Toho
My Hero Academia chốt lịch lên sóng mùa cuối
Tại sự kiện AnimeJapan 2025 ở Tokyo, Toho Co., Ltd. đã công bố teaser và key visual mùa cuối cùng của anime My Hero Academia.
Mùa 8 sẽ khép lại câu chuyện về cuộc chiến thiện - ác giữa Deku và phản diện Shigaraki, đánh dấu hồi kết của loạt anime siêu anh hùng đình đám.
Trailer My Hero Academia mùa cuối
Lấy bối cảnh thế giới nơi 80% dân số sở hữu siêu năng lực (Quirks), My Hero Academia theo chân Izuku Midoriya cùng bạn bè tại Học viện siêu anh hùng trên hành trình trở thành anh hùng chuyên nghiệp.
Anime chuyển thể từ manga của Kohei Horikoshi, đã kết thúc trên tạp chí Weekly Shonen Jump tháng 8-2024. Đạo diễn Naomi Nakayama trở lại sau mùa 7, trong khi biên kịch Yosuke Kuroda và studio Bones (Fullmetal Alchemist: Brotherhood, Mob Psycho 100) vẫn đảm nhận sản xuất.
Taylor Swift khen ngợi album mới của Selena Gomez
Taylor Swift vừa trở lại Instagram sau 100 ngày không đăng bài, phá vỡ sự im lặng kéo dài trên mạng xã hội. Người hâm mộ cho rằng cô tránh xa mạng xã hội sau chiến thắng của Tổng thống Donald Trump, đặc biệt là sau khi cô từng công khai ủng hộ ứng cử viên Kamala Harris.
Tuy nhiên, Taylor Swift đã quyết định phá vỡ khoảng lặng này để dành lời khen hết mực cho album mới của Selena Gomez - I Said I Love You First, sản phẩm hợp tác với vị hôn phu Benny Blanco.
Taylor Swift có mối quan hệ thân thiết với Selena Gomez, thường xuyên ủng hộ nhau trong sự nghiệp - Ảnh: MTV
Cô viết trên Instagram Stories: "Tôi yêu album này quá đi mất!", kèm theo liên kết đến sản phẩm âm nhạc mới của Gomez.
Album gồm 14 ca khúc đánh dấu sự trở lại của Selena Gomez sau Rare (2020) và quãng thời gian tập trung vào sự nghiệp diễn xuất. Gần đây, cô đã gây chú ý với vai diễn trong Emilia Pérez, một ứng cử viên nặng ký tại Oscar vừa qua.
Bên cạnh sự ủng hộ của Taylor Swift, người hâm mộ vẫn bày tỏ sự thất vọng với các nghệ sĩ khác vì không lên tiếng quảng bá album của Gomez dù trước đó cô từng ủng hộ họ.
Đồng thời, hãng đĩa Interscope Records cũng bị chỉ trích vì thiếu chiến lược quảng bá hiệu quả cho sản phẩm ra mắt ngày 21-3.
Lệnh cấm của tòa có thể giúp NewJeans trong vụ kiện với ADOR
Ngày 21-3, Tòa án Trung tâm Seoul chấp nhận yêu cầu của ADOR về việc cấm NewJeans thực hiện các hoạt động độc lập dưới tên NJZ.
Nhóm bày tỏ thất vọng, cho rằng quyết định này ngăn cản sự thay đổi của K-pop, nhưng các chuyên gia pháp lý nhận định đây có thể là lợi thế cho họ.
NewJeans tại phiên điều trần hồi đầu tháng 3 - Ảnh: 10Asia
Theo luật sư Ko Sang Rok, nếu tiếp tục hoạt động độc lập và thua kiện, NewJeans có thể phải bồi thường thiệt hại đáng kể. Việc tòa ra lệnh cấm giúp tránh rủi ro pháp lý và mở đường cho đàm phán giữa đôi bên.
Ông Lee Nam Kyung, giám đốc Liên đoàn Quản lý Hàn Quốc, cũng khẳng định phán quyết này nhấn mạnh hợp đồng giữa ADOR và NewJeans vẫn có hiệu lực.
Dù tranh chấp chưa ngã ngũ, nhóm vẫn sẽ biểu diễn tại Complex Concert ở Hong Kong ngày 23-3. ADOR xác nhận cung cấp hỗ trợ nhưng chưa rõ NewJeans sẽ biểu diễn dưới tên nào. Trong khi đó, tài khoản NJZ bất ngờ đăng teaser sản phẩm mới, gây tranh cãi về việc có vi phạm lệnh cấm hay không.
MV mới của Đan Trường bị chê lỗi thời
Ca sĩ Đan Trường vừa ra mắt MV Đừng yêu ký ức (Mộng đoạn trường), một sản phẩm cổ trang được đầu tư công phu, vốn gắn liền với thời hoàng kim của nam ca sĩ.
Tuy nhiên, MV bất ngờ nhận về nhiều phản ứng trái chiều, bị đánh giá cũ kỹ, lỗi thời. Khán giả cũng cho rằng nhiều khi anh Bo sẽ thua cuộc trên đường đua âm nhạc trước một đối thủ ít tên tuổi hơn là rapper Pháo với bản hit Sự nghiệp chướng.
MV mới của Đan Trường là món quà cho những khán giả đã từng đồng hành cùng anh qua thời hoàng kim sự nghiệp - Ảnh: NVCC
Ngay cả fan ruột cũng nhận xét MV hơi "đuối": “Nghe khúc cuối nó cứ khựng khựng, không mượt, dù ý nghĩa tổng thể hay nhưng rất khó viral. Nói chung, MV như món quà cho thế hệ 8X thôi chứ không hấp dẫn lắm”.
Tuy nhiên cũng có khán giả bênh vực, đánh giá cao giai điệu và đặc biệt là cảnh Đan Trường thổi sáo giữa thiên nhiên hùng vĩ. Nhiều người hoài niệm hình ảnh anh Bo những năm 2000 với Trở lại phố cũ, Tuyết hồng, Mưa trên cuộc tình.
Bản thân anh Bo cũng chia sẻ với truyền thông rằng anh chọn phong cách cổ trang không chỉ vì phù hợp với ca khúc mà còn để gợi lại hình ảnh thời hoàng kim của mình. Đoạn kết MV cũng đóng vai trò như lời tri ân, nhắc nhở khán giả không sống mãi trong ký ức mà chấp nhận thực tại.
Hollywood tranh giành quyền làm lại Texas Chainsaw Massacre
Cuộc chiến giành quyền thương hiệu Texas Chainsaw Massacre đang trở nên căng thẳng khi hàng loạt ông lớn lao vào tranh giành.
Sau khi Legendary Pictures để mất bản quyền, Exurbia Films đã đưa thương hiệu kinh dị này trở lại thị trường, khiến các nhà sản xuất và đạo diễn sẵn sàng lao vào cuộc đua "một mất một còn".
Cảnh huyền thoại ở cuối phim Texas Chainsaw Massacre - Ảnh: IMDb
Dù chưa có đấu giá chính thức, Hollywood đã xôn xao với những cái tên đình đám như Glen Powell, đạo diễn Andy Muschietti, nhà sản xuất Roy Lee và J.T. Molner. Hậu trường râm ran tin đồn về những cú ra giá táo bạo và các liên minh chiến lược nhằm sở hữu tác phẩm kinh điển này.
Texas Chainsaw Massacre (1974) là một trong những phim kinh dị thành công nhất lịch sử, chỉ tốn chưa đến 300.000 USD nhưng thu về 31 triệu USD toàn cầu.
Sau khi phiên bản 2022 của Legendary Pictures không có phần tiếp theo, việc thương hiệu này trở lại thị trường đã khiến Hollywood "sứt đầu mẻ trán".
Cuộc tranh giành này không chỉ phản ánh giá trị khổng lồ của những thương hiệu kinh điển mà còn cho thấy sức hút bền vững của thể loại kinh dị trong thị trường điện ảnh hiện nay.
Nghệ sĩ Linh Tâm và Ngọc Huyền trong web drama Kén cá chọn chồng - Ảnh: ĐPCC
Linh Tâm đòi được diễn trong Kén cá chọn chồng
Web drama Kén cá chọn chồng của nghệ sĩ Ngọc Huyền đã lên sóng được đến tập 3. Trong phim này Ngọc Huyền đã mời rất nhiều nghệ sĩ cải lương tham gia cùng chị như Kim Tử Long, Thanh Điền, Thanh Nam, Bảo Chung…
Trong đó, nghệ sĩ Linh Tâm vào vai Thông. Đây là dạng vai độc hài. Thông ham chơi, bị bắt đi tù, rồi ra tù vẫn ngựa quen đường cũ, dùng sự lươn lẹo của mình để qua mặt mọi người.
Ở những cảnh đầu, khán giả xem phim vừa ghét nhưng cũng vừa mắc cười ở cảnh Thông mượn tiền bạn mà kiểu như muốn… cướp của người ta!
Vai độc hài là sở trường của Linh Tâm lâu nay, bởi vậy khi nhận vai Thông trong Kén cá chọn chồng, Linh Tâm đã "phàn nàn": "Sao cho tui cái vai gì mà không cần diễn vậy? Chỉ cần tui bê y xì ở ngoài vô là không cần diễn gì hết!".
Rồi anh chốt gọn với cô em Ngọc Huyền: "Lần sau mà mời nữa ráng kiếm vai gì để anh được diễn nha. Tui muốn được diễn mà trời!".
"Bức xúc" của Linh Tâm đã khiến nhiều người không nhịn được cười. Tuy nhiên gần đây anh đã phần nào thỏa mãn được khát khao đóng chính diện khi được vào vai Nguyễn Chích trong vở cải lương Hào khí Lam Sơn dự thi Liên hoan Cải lương toàn quốc tại Cần Thơ.
Còn việc anh cứ bị kéo lại vào những vai phản diện thì nói theo kiểu vui vui, có lẽ anh phải coi lại… đường ăn ở!
Bác sĩ mỏ hỗn Baek Kang Hyuk Ju Ji Hoon "phán" bệnh bạn thân Kim Nam Gil
Mới đây, khán giả mê phim thích thú với đoạn trích từ chương trình You quiz on the block. Trong đoạn trích MC cho biết Kim Nam Gil, bạn thân của nam tài tử Ju Ji Hoon, người đóng vai "bác sĩ mỏ hỗn" Baek Kang Hyuk (trong bộ phim Trung tâm chăm sóc chấn thương gây sốt toàn cầu), đã "tố" rằng Ju Ji Hoon nói nhiều quá khiến mọi người nhức cả đầu, đau tai.
Khi nghe lời tố, Ju Ji Hoon bật cười, lập tức phản pháo: "Chắc là anh ấy vốn có triệu chứng đau đầu, ảnh cần uống thuốc giảm đau ngay. Tai chắc cũng vậy, có lẽ anh ấy bị viêm tai giữa".
"Bác sĩ mỏ hỗn Baek Kang Hyuk" Ju Ji Hoon "phán" bệnh bạn thân Kim Nam Gil trong chương trình You quiz on the block
MC ồ à: "Thật không hổ danh là bác sĩ Baek Kang Hyuk, còn khám bệnh online nữa!".
Thời gian qua, với cơn sốt của Trung tâm chăm sóc chấn thương, người mê phim phát cuồng với nhân vật Ju Ji Hoon đóng. Anh được đặt biệt danh là "bác sĩ mỏ hỗn" vì nhân vật rất tài năng nhưng nóng tính, chửi bất chấp và chửi nghe… đã lỗ tai!
Hiện tại, Ju Ji Hoon đang trong thời gian quay phim Climax cùng với các diễn viên Ha Ji Won, Oh Jung Se, Cha Joo Young…
Hai con gái của Tú Sương đóng Duyên kiếp
Trong vở tốt nghiệp đạo diễn của sinh viên Hoàng Chương mới đây, theo dự kiến Tú Sương sẽ vào vai bà Mùi, nhân vật đào độc trong vở cải lương Duyên kiếp.
Nhưng ngay kề ngày diễn ra vở vì sức khỏe không tốt, Tú Sương đành lỡ hẹn với khán giả. Tuy nhiên người yêu cải lương có lẽ sẽ được "bù" khi hai con gái của Tú Sương là Tú Quyên và Hồng Quyên sẽ xuất hiện trong phiên bản khác của Duyên kiếp.
Hai con gái của nghệ sĩ Tú Sương trên poster vở Duyên kiếp. Tú Quyên mặc áo trắng, còn Hồng Quyên mặc áo tím
Duyên kiếp (tác giả: Hoàng Song Việt) sẽ được dựng với phiên bản toàn người trẻ diễn phục vụ cho sinh viên Trường cao đẳng Việt Mỹ vào ngày 29-3.
Trong đó Tú Quyên, con gái lớn của Tú Sương, vào vai mợ Thu, còn cô con út Hồng Quyên là nhân vật Huệ.
Hai cô gái trẻ đang trên sàn tập cùng bạn bè để kịp hoàn thành chương trình. Cả hai con của Tú Sương đều rất mê hát. Tú Quyên hiện đang kinh doanh, thỉnh thoảng tham gia vài show diễn.
Còn Hồng Quyên đang là sinh viên khoa đạo diễn Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM. Thuở nhỏ Hồng Quyên được xem là một trong những tài năng nhí của làng cải lương.
Khi cuộc đời cho bạn quả quýt gây tranh cãi vì Park Bo Gum ít xuất hiện
Theo Osen, sau khi hồi 3 (mùa thu) của Khi cuộc đời cho bạn quả quýt lên sóng, nhiều khán giả bày tỏ bức xúc vì Park Bo Gum chỉ xuất hiện chớp nhoáng trong vài phân cảnh nhỏ. Người hâm mộ chỉ ra rằng nam diễn viên có thời lượng lên sóng nhiều nhất trong 6 tập đầu, các tập còn lại thì mờ nhạt dù được quảng bá là nam chính của phim.
Về vấn đề này, ngày 22-3, đại diện Netflix nói với Osen: “Khi cuộc đời cho bạn quả quýt là câu chuyện về cuộc đời của Ae Soon và Gwan Sik. Không chỉ xoay quanh hành trình thời thanh xuân của cặp đôi, mà cả giai đoạn trung niên khi họ làm cha mẹ cũng quan trọng không kém.
Khán giả bức xúc vì Park Bo Gum ít xuất hiện trong Khi cuộc đời cho bạn quả quýt - Ảnh: Netflix
Ở hồi 4 sắp tới, khán giả sẽ được chứng kiến rõ nét hơn cuộc sống nơi làng chài của Ae Sun, Gwan Sik cùng hai con Geum Myung và Eun Myung”.
Trong buổi phỏng vấn mới nhất, Park Bo Gum chia sẻ bạn bè anh cũng tiếc nuối khi câu chuyện của Gwan Sik thời trẻ không khai thác nhiều.
“Có lúc tôi tự hỏi giá như được xem thêm về giai đoạn thanh xuân ấy, nhưng rồi lại thấy tò mò về hình ảnh của chúng tôi ở tuổi trung niên.
Dù sao, trong các phần sau, chúng tôi vẫn xuất hiện qua những đoạn hồi tưởng và vẫn còn kha khá cảnh đáng mong chờ. Mọi người hãy kiên nhẫn đến phút cuối nhé!” - anh nói.
Hồ Hoài Anh làm giám khảo Điểm hẹn tài năng
Cuộc thi ca hát Điểm hẹn tài năng của VTV vừa bước vào vòng tuyển chọn khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Điều khiến nhiều người chú ý là nhạc sĩ Hồ Hoài Anh sẽ là một trong những vị giám khảo của vòng này.
Anh sẽ ngồi ở vị trí quan trọng cùng nhạc sĩ Huy Tuấn, ca sĩ Nguyễn Ngọc Anh…
Được biết sau vòng sơ tuyển tại Đà Nẵng chương trình sẽ đến TP.HCM và Hà Nội để tiếp tục tìm kiếm thí sinh triển vọng.
Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh (bìa phải) trên poster của chương trình Điểm hẹn tài năng bên cạnh nhạc sĩ Huy Tuấn, ca sĩ Nguyễn Ngọc Anh - Ảnh: VTV
Điểm hẹn tài năng là cuộc thi âm nhạc mới trên VTV năm 2025 nhằm tìm kiếm giọng ca xuất sắc. Được biết theo kế hoạch chương trình sẽ lên sóng khoảng tháng 5-2025.
Đây được xem không chỉ là cuộc thi nghệ thuật mà còn là nơi các thí sinh có thể học hỏi, rèn luyện và thử thách bản thân dưới sự hướng dẫn của nhiều chuyên gia.
Chương trình mở rộng cho các thí sinh từ 18 - 30 tuổi. Sau vòng sơ tuyển 12 thí sinh xuất sắc nhất sẽ được chọn tranh tài trong 8 đêm thi để chọn ra người thắng cuộc cao nhất.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ bế mạc Liên hoan truyền hình toàn quốc - Ảnh: MINH CHIẾN
Tối 22-3, Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 42 đã bế mạc sau 4 ngày diễn ra liên tục tại TP Quy Nhơn (Bình Định). Ban tổ chức đã công bố và vinh danh các tác phẩm chất lượng.
Từ 734 tác phẩm dự thi ở 11 thể loại của 100 đơn vị, gồm:
Chương trình dành cho thiếu nhi, phim tài liệu, phóng sự, phóng sự ngắn, chương trình khoa học, chương trình đối thoại - trung tâm, chương trình truyền hình kỹ năng số, ca khúc nhạc, sân khấu, phim hoạt hình và video trên nền tảng số.
Với thể loại video trên nền tảng số, báo Tuổi Trẻ giành huy chương vàng với tác phẩm "Toàn cảnh vụ tấn công 2 trụ sở UBND xã ở Đắk Lắk" của nhóm tác giả Trung Tân - Bảo Duy - Cao Nguyên - Mai Vinh - Chế Thân - Thanh Vy - Quốc Huy.
Huy chương bạc với tác phẩm "Toàn cảnh thảm khốc Làng Nủ: Cha đi tìm con giữa tan hoang lũ quét" của nhóm tác giả Ngọc Quang - Nguyễn Khánh - Thành Chung - Đức Bình.
Tác phẩm "Những cô gái vùng cao Tây Bắc xuống núi 'bắt chữ' để trở về giúp bản làng" của nhóm tác giả Hà Thanh - Nguyên Bảo - Bảo Duy - Trinh Trà.
Báo Tuổi Trẻ đạt giải vàng thể loại video trên nền tảng số - Ảnh: MINH CHIẾN
Theo hội đồng ban giám khảo thể loại video trên nền tảng số, năm nay được các đơn vị đầu tư công phu, đa góc nhìn đa đề tài. Đến lần thứ 42, số lượng tác phẩm gửi về đã tăng lên 66 video dự thi so với kỳ liên hoan thứ 41.
Đặc biệt nếu như Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 41 không chấm được giải vàng và cao nhất chỉ là giải bạc… thì năm nay đã có giải vàng bởi đề tài, nội dung đã có sự tiến bộ rõ rệt.
Nhiều sản phẩm được đầu tư kỹ lưỡng, đạt chất lượng cao, các yếu tố như hiệu suất tương tác, trực quan hóa, khả năng tối ưu, tính sáng tạo, hiệu ứng xã hội… được ban giám khảo tham chiếu trong suốt quá trình chấm giải. Dù là thể loại mới, được ban tổ chức bổ sung kể từ kỳ liên hoan lần thứ 41 nhưng đã nhanh chóng trở thành sân chơi bổ ích cho các cơ quan báo đài trong mỗi kỳ Liên hoan truyền hình toàn quốc.
Tại đêm bế mạc còn có những màn trình diễn ấn tượng với sự góp mặt của các giọng ca đình đám như Quang Dũng, Uyên Linh… Không chỉ vậy, khán giả còn có cơ hội thưởng thức điệu bài chòi, những màn trống trận hào hùng cùng những hình ảnh tuyệt đẹp về Bình Định.
Phát biểu tại lễ bế mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 42 diễn ra đúng dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng tỉnh Bình Định, 55 năm ngày phát sóng chương trình truyền hình đầu tiên...
"Tôi rất ấn tượng các tác phẩm năm nay rất ý nghĩa, nhân văn, phản ánh mọi hơi thở của cuộc sống. Sau mỗi thước phim là mồ hôi, nước mắt, sự lao động miệt mài của đội ngũ những người làm truyền hình...
Truyền hình không chỉ là truyền thông, mà còn là nhịp đập, hơi thở của cuộc sống, các tác phẩm truyền hình còn là cầu nối giữa nhân dân với Đảng", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Thủ tướng cũng kỳ vọng ngành truyền hình tiếp tục đổi mới, bứt phá, đầu tư trang thiết bị hiện đại để truyền tải chủ trương của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân một cách vô tư, trong sáng, đầy đủ, tạo ra chương trình có sức lan tỏa, truyền cảm hứng mạnh mẽ.
Các tác giả nhận giải vàng thể loại video trên nền tảng số - Ảnh: MINH CHIẾN
Ngoài giải vàng, Báo Tuổi Trẻ cũng vinh dự đạt 2 giải bạc thể loại video trên nền tảng số - Ảnh: MINH CHIẾN
Thủ tướng Chính phủ trao giải vàng cho các đơn vị truyền hình - Ảnh: MINH CHIẾN
Bài chòi Bình Định được mang lên sân khấu bế mạc Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 42 - Ảnh: MINH CHIẾN
Tiết mục của những người làm truyền hình - Ảnh: MINH CHIẾN
(Từ trái sang) Nhà báo Lê Hồng Lâm, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn và diễn viên Hồng Ánh trong buổi chiếu Trăng nơi đáy giếng tối 21-3 - Ảnh: MI LY
Tối 21-3, buổi chiếu và giao lưu về bộ phim Trăng nơi đáy giếng diễn ra trong chương trình Cinéphile ở TP.HCM. Chương trình do nhà báo Lê Hồng Lâm dẫn dắt, có khách mời là đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, diễn viên Hồng Ánh, nhà quay phim Nguyễn Trinh Hoan.
Diễn viên Hồng Ánh được khán giả tán thưởng với vai diễn có lẽ chỉ đến một lần trong đời. Cô Hạnh của Trăng nơi đáy giếng bước ra từ trang truyện của nhà văn Trần Thùy Mai, được chị hóa thân đắm đuối. Diễn viên như "biến mất" trong hình hài nhân vật.
Vai diễn mang lại cho Hồng Ánh nhiều giải diễn xuất, trong đó có 3 giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất ở Cánh diều 2009, Liên hoan phim Việt Nam tại Pháp 2014 và Liên hoan phim Dubai lần thứ 5 (năm 2008).
Trăng nơi đáy giếng vẫn đầy rung cảm
Trăng nơi đáy giếng ra đời năm 2008, thời điện ảnh Việt vẫn còn nhiều hạn chế về máy móc, kỹ thuật quay phim lẫn thu tiếng trực tiếp, nhưng phim có ngôn ngữ điện ảnh tinh tế, giàu chất thơ, không bi lụy nhưng dư âm đậm sâu.
Vẻ đẹp của người phụ nữ Huế, văn hóa và đời sống Huế được khắc họa trong phim cùng số phận của cô giáo Hạnh, người vợ hy sinh tất cả vì chồng. Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn đã xây dựng nên một cô Hạnh rất đời, rất thật nhờ những cú máy dài liên tiếp nhiều phút.
Trích đoạn cô Hạnh đi mua bún bò cho chồng trong 'Trăng nơi đáy giếng'
Hồng Ánh phải sống gần như là nhân vật. Chị chăm sóc ngôi nhà vườn của mình, ướp trà sen, nấu ăn, trình bày mâm cơm thật đẹp, dằm ớt xanh vào nước mắm cho chồng, đóng cửa, mở cửa ngôi nhà cổ mỗi ngày.
Cô nhân hậu với tất cả mọi người, từ người chồng, đến vợ bé của chồng, đến đứa con riêng của chồng và cả chú chó chạy hoang.
Trong phim, có rất nhiều cú máy mô tả cô Hạnh đạp xe trên đường, mỗi lần là một tâm trạng khác nhau nhưng dường như lúc đó suy nghĩ của cô chỉ hướng về người khác. Chỉ có một lần cuối cùng, cô Hạnh đạp xe mà nghĩ về thân phận cô độc của mình, Hồng Ánh vừa đạp xe vừa dần dần rơi nước mắt.
Diễn viên Hồng Ánh và nhà quay phim Nguyễn Trinh Hoan, những người đang có nhiều đóng góp với điện ảnh Việt Nam - Ảnh: MI LY
Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn cảm nhận mọi phẩm chất của cô Hạnh đã dồn hết vào Hồng Ánh. Mọi thứ toát ra từ cô, chứ không chỉ là diễn xuất nữa. Nếu không có Hồng Ánh, có lẽ người khác diễn vai này sẽ rất "diễn".
Vì sao Hồng Ánh không nói giọng Huế?
Phim thu tiếng trực tiếp, hầu hết diễn viên khác đều nói giọng Huế, chỉ riêng Hồng Ánh là diễn viên chính lại nói giọng miền Nam (cô là người Trà Vinh). Có lẽ đây là "tì vết" duy nhất với vai diễn để đời này.
"Trăng nơi đáy giếng" khẳng định tài năng của Hồng Ánh trong việc khắc họa người phụ nữ Việt Nam - Ảnh: ĐPCC
Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn kể: "Khi tôi chiếu bộ phim tại Pháp, có một nữ khán giả đứng dậy phát biểu bằng tiếng Việt nói khán giả rất tiếc khi xem bộ phim về người phụ nữ Huế mà nhân vật chính không nói giọng Huế, tôi phải xin lỗi".
Ông không nhận bộ phim đạt 10/10, nhưng trong vòng 2 tháng để tìm ra được một diễn viên có khả năng hóa thân thành cô Hạnh là điều rất khó. Với cách quay, cách xử lý hình ảnh cho bộ phim thì vai diễn này quá khó. Ông cũng tìm đến những diễn viên lồng tiếng nhưng giải pháp này không khả thi.
Khi được mời vào vai cô Hạnh, Hồng Ánh cũng đề xuất tập nói giọng Huế nhưng đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn gạt đi vì không có đủ thời gian để học.
Ông cho rằng muốn nói đúng thì cô phải sống ở Huế, phải là người Huế, nếu nói không đúng trên phim thì còn bị phản đối gay gắt hơn.
Hồng Ánh nói: "Là một diễn viên, tôi muốn tham gia những phim điện ảnh thu tiếng trực tiếp. Điện ảnh là cả phần nhìn lẫn phần nghe.
Với Hồng Ánh, không gì truyền tải cảm xúc chân thật nhất bằng chính giọng nói của mình. Giống như ngoài đời, cảm xúc buồn vui, giận hờn được thể hiện bằng giọng thật của mình luôn rất rõ.
Khi ở hiện trường, mọi thứ diễn ra như ở đời thực. Giọng nói cũng là một phần cảm xúc mình bộc lộ ra. Còn nếu vào trong phòng lồng tiếng, mình phải diễn lại cảnh đó một lần nữa thì dù giỏi đến mấy cũng không mang đến cảm giác thật bằng những gì diễn ra trước mắt. Nếu chính tôi lồng tiếng thì tôi cũng không đủ kỹ năng".
Lai Vathai trong cuộc thi Nam vương Campuchia 2025 - Ảnh: FBNV
Cuộc thi Nam vương Campuchia2025 đang là chủ đề bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội. Top 10 cuộc thi năm nay gây tranh cãi về diện mạo, trang phục và phong cách trình diễn.
Chiều 20-3, trên trang TikTok cá nhân, Lai Vathai - thí sinh lọt top 10 Nam vương Campuchia 2025 - đăng tải video nói về việc bị miệt thị ngoại hình những ngày qua.
'Tôi không có gì, chỉ có 10 ngón tay'
Trong video, Lai Vathai tâm sự rằng vì tự ti về ngoại hình, có một khoảng thời gian dài anh không dám thể hiện bản thân. Anh từng nghĩ rằng các cuộc thi nhan sắc chỉ dành cho những người có ngoại hình xinh đẹp.
Lai Vathai không bận tâm về việc bị chê bai về ngoại hình - Ảnh: FBNV
Song việc anh đứng trên sân khấu Nam vương Campuchia 2025 là lời khẳng định mạnh mẽ cho việc dù có sinh ra trong hoàn cảnh nào, ngoại hình ra sao, điều quan trọng nhất là yêu thương những gì mình đang có.
"Tôi muốn các bạn hiểu rằng điều quan trọng không phải là kết quả mà là việc chúng ta dám sống thật với chính mình, dám thể hiện những gì mình có và làm những điều mình mơ ước.
Tôi là một người bình thường, không có gì đặc biệt ngoài 10 ngón tay, nhưng tôi tin rằng nếu chúng ta dám thể hiện bản thân thì đó chính là chiến thắng lớn nhất" - Lai Vathai chia sẻ.
Về việc bị miệt thị ngoại hình, anh cho rằng đó không phải là điều khiến anh gục ngã: "Dù có những lúc tôi bị xúc phạm, tôi vẫn cảm thấy ổn. Bởi lẽ tôi biết rằng những người đó chưa thực sự hiểu tôi".
Cũng trong video, Lai Vathai có những trải lòng về tuổi thơ cơ cực. Anh kể rằng mình là một sinh viên nghèo, phải làm việc vất vả để phụ giúp gia đình. Cuộc sống khốn khó khiến anh phải nghỉ học, làm mọi việc để có thể chăm sóc người thân.
"Tôi không phải kẻ xấu. Tôi không đi ăn cắp hay làm tổn thương ai cả. Tôi chỉ đến đây để thực hiện ước mơ nhỏ nhoi của mình - ước mơ tham gia cuộc thi này và thể hiện bản thân. Một lần nữa, xin cảm ơn và trân trọng các bạn vì luôn ủng hộ tôi" - anh nói thêm.
Ảnh đời thường của Lai Vathai - Ảnh: FBNV
Ở dưới phần bình luận, nhiều khán giả bày tỏ sự ủng hộ đến Lai Vathai. Nhiều người gửi lời xin lỗi đến anh vì đã từng có nhận xét tiêu cực.
"Chính mình từng hùa theo bạn bè cười cợt anh ấy, nhưng nó chỉ nên dừng lại ở khoảnh khắc đó thôi thay vì lúc nào cũng lấy anh ấy ra làm trò đùa";
"Thực sự là anh ấy đẹp theo tiêu chuẩn rồi mọi người ạ.
Không phải gu mình thì mình cứ cho là bình thường đi, họ tử tế mà"; "Đó là tiêu chuẩn sắc đẹp của người ta, mình không có quyền phán xét họ đâu"... - một số bình luận của khán giả.
Lai Vathai là thí sinh mang số báo danh M63 trong cuộc thi Miss and Mister Majestic Cambodia (Nam vương Campuchia 2025).
Anh lọt vào top 10 cuộc thi, được đánh giá là nhân tố khác biệt, tạo bất ngờ nhất trong 10 thí sinh cuối cùng trong vòng chung kết.
Thái Vũ vai Việt trong phim Cha tôi, người ở lại - Ảnh: ĐPCC
"Phim giải trí mà đạo diễn ác quá!", "mình không thích nỗi đau lại một lần nữa lặp lại như này", "xây dựng cái kịch bản dở hơi thế, một nỗi đau nhấn nhá mấy lần để làm gì?"... khán giả nhận xét phim.
Cha tôi, người ở lại đẩy bi kịch lên tận cùng
Cha tôi, người ở lại kể câu chuyện về hai người cha Bình và Chính cùng ba con không cùng máu mủ Nguyên, Việt và An.
Đến tập thứ 15, bi kịch của bộ phim đẩy lên đến đỉnh điểm. Cha ruột của Việt dùng mưu hèn hại cha Chính để buộc Việt nghe theo lời ông ta đi châu Âu.
Cha tôi, người ở lại - Official Trailer - phim VTV mới nhất 2025 - VFC Official
Nguyên còn khổ hơn. Bà ngoại mất. Gia đình mới của mẹ từ Đài Loan về Việt Nam chịu tang thì gặp tai nạn. Chồng sau của mẹ và em gái mất. Mẹ phải nằm viện và như phát điên trước thông tin này.
Nội dung trên đều có trong phim gốc nổi tiếng Lấy danh nghĩa người nhà.
Tuy nhiên phim Việt đẩy bi kịch hơn khi cô em gái nhỏ cùng mẹ khác cha của Nguyên mất trong tai nạn. Trước đây, lúc còn nhỏ Nguyên đã mất em gái đầu và bi kịch này khiến gia đình anh tan nát. Ba mẹ chia tay, mẹ bỏ đi nước ngoài lập gia đình khác.
Nguyên tiếp tục nỗi đau mất em gái lần 2 - Ảnh: Cắt từ clip
Các diễn viên Thái Vũ (Việt), Trần Nghĩa (Nguyên) Thu Quỳnh (Liên - mẹ Nguyên) diễn tốt, được khán giả khen.
Tuy nhiên chi tiết để cô em gái mất được thêm vào bị chê thậm tệ.
"Phim hay nhưng buồn thấu ruột gan theo nhân vật. Nỗi buồn nối tiếp nỗi buồn, hai lần mất đi em gái, nặng tâm lý quá. Nguyên chịu sao nổi. Thương".
Người thì phản ứng: "Chỉ là một bộ phim hư cấu mà ác với nhân vật Liên quá!".
Thậm chí có ý kiến tuyên bố: "Tôi bỏ phim từ hôm nay. Bao giờ hết bi kịch thì tôi quay lại xem chứ xem phim để giải trí chứ không muốn "gấp đôi nỗi sầu" cho cuộc sống".
Sao phải đẩy bi kịch?
Mở rộng từ phim Cha tôi, người ở lại một số khán giả góp ý: "Phim Việt mình lúc nào cũng phải đẩy lên tận cùng bi thương đau khổ nó mới giật gân hay sao ấy, xem bản Trung nhẹ nhàng tươi sáng, diễn viên dễ thương, cảm động không ủy mị bi đát, góp ý nghiêm túc biên kịch".
Người thì hài hước cho rằng: "Hỏi thật mấy biên kịch có sang Hàn học một khóa không đấy sao drama thế".
Trần Nghĩa vai Nguyên trong Cha tôi, người ở lại - Ảnh: ĐPCC
Ở cuối tập 15, cuộc thoại giữa Nguyên và Việt đầy nước mắt. Cả hai thông tin mình sẽ rời xa bố Bình và bố Chính. "Anh sẽ học đại học y ở bên đấy. Anh không thể để mẹ một mình. Anh xin lỗi. Em ở nhà chăm sóc cho hai bố và An", Nguyên nói với Việt.
Việt tức giận bảo: "Người mà anh xin lỗi An và hai bố. Anh nhờ em để làm gì. Em chuẩn bị đi châu Âu, giấy tờ thủ tục cũng chuẩn bị xong. Em nhận ông Huấn làm bố. Hai chúng ta đều là lũ vong ơn bội nghĩa".
Cả hai lao vào đánh nhau.
Xem ra, bi kịch Cha tôi, người ở lại vẫn còn tiếp diễn và căng thẳng hơn trước. Phim đang phát sóng trên VTV3 lúc 20h từ thứ hai đến thứ tư hằng tuần.
Hoa hậu Thùy Tiên trong buổi báo cáo luận văn tốt nghiệp chương trình quốc tế Vatel ngày 13-4-2022 - Ảnh Facebook khoa du lịch nhà hàng khách sạn HSU
Liên quan tới văn bằng thạc sĩ của hoa hậu Thùy Tiên, hôm 17-3, phóng viên Tuổi Trẻ Online đã liên hệ với Trường Quản trị khách sạn Thụy Sĩ (SHMS - Swiss Hotel Management School) qua email nhưng đến nay chưa nhận được phản hồi.
Hoa hậu Thùy Tiên từng học 2 trường đại học
Trong khi đó, cộng đồng mạng tiếp tục bàn tán xôn xao xung quanh chuyện học hành, bằng cấp của Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2021 Nguyễn Thúc Thùy Tiên.
Nhiều người thắc mắc hoa hậu Thùy Tiên từng học những trường đại học nào và đã tốt nghiệp chưa.
"Có thông tin Thùy Tiên từng học đại học tại Trường đại học Hoa Sen nhưng không biết vì lý do gì mà chưa thấy công bố thông tin cô ấy tốt nghiệp. Các sự kiện lễ trao bằng tốt nghiệp của Trường đại học Hoa Sen mấy năm nay, không thấy Thùy Tiên xuất hiện", một bạn đọc thắc mắc.
Nguyễn Thúc Thùy Tiên mặc đồng phục áo thun Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) khi còn học tại trường này - Ảnh FB
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, Thùy Tiên từng là sinh viên khoa ngữ văn Pháp của Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM).
Cụ thể năm 2016, Nguyễn Thúc Thùy Tiên đăng ký xét tuyển ngành ngôn ngữ Pháp Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, với 21,46 điểm đã trúng tuyển (điểm chuẩn của ngành này thời điểm đó là 19 điểm).
Thùy Tiên theo học tại trường này một thời gian, đã đăng ký học và thi qua một số môn nhưng cũng còn rất nhiều môn chưa hoàn thành (do vắng thi). Đến năm 2018, Thùy Tiên làm thủ tục bảo lưu nhưng không quay lại học.
Sau đó, Thùy Tiên đăng ký xét tuyển chương trình quản lý khách sạn và nhà hàng quốc tế (Vatel) tại Trường đại học Hoa Sen. Đây là chương trình liên kết đào tạo giữa Trường đại học Hoa Sen với Trường Kinh doanh Du lịch và Khách sạn Vatel (Pháp).
Thùy Tiên đã học chương trình gì tại Trường đại học Hoa Sen?
Chương trình này tuyển sinh đối tượng học sinh tốt nghiệp THPT hoặc tương đương; sinh viên chuyển đổi tín chỉ từ các trường đại học, cao đẳng khác.
Thí sinh có thể lựa chọn 1 trong các hình thức xét tuyển với các điều kiện: kết quả học bạ THPT (điều kiện điểm trung bình cả năm lớp 11; hoặc học kỳ I lớp 12; hoặc cả năm lớp 12 từ 6.0 trở lên); kết quả thi tốt nghiệp THPT; kết quả bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM...
Thí sinh thỏa mãn điều kiện xét tuyển và có một trong số các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế còn thời hạn (tính đến ngày nộp hồ sơ) như: IELTS 5.5+ hoặc tương đương sẽ vào thẳng chương trình chính khóa.
Chương trình này liên kết quốc tế đào tạo trong 3 năm tại TP.HCM, dạy bằng tiếng Anh với mức học phí 119 triệu đồng/năm (357 triệu đồng/khóa).
Chương trình đào tạo gồm 6 học kỳ và 3 đợt thực tập bắt buộc tại các khách sạn (thời gian thực tập: năm 1 và năm 2 là 4 tháng, thực tập năm 3 là 6 tháng).
Sinh viên tốt nghiệp được cấp bằng cử nhân của Trường Kinh doanh Du lịch và Khách sạn Vatel.
Theo thông tin giới thiệu, Trường Kinh doanh Du lịch và Khách sạn Vatel được thành lập từ năm 1982, đến nay đã có hơn 40 năm hoạt động và luôn đứng trong top trường đào tạo quản trị du lịch và khách sạn tốt nhất thế giới. Trường có hơn 50 cơ sở đào tạo tại 4 châu lục: châu Âu, châu Mỹ, châu Á và châu Phi.
"Thùy Tiên đã tốt nghiệp đại học, không dự lễ tốt nghiệp do bận"
Ngày 19-3, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Trường đại học Hoa Sen xác nhận: "Nguyễn Thúc Thùy Tiên là sinh viên khóa 2019 - chương trình quản lý khách sạn - nhà hàng quốc tế Vatel (Cộng hòa Pháp). Thùy Tiên đã hoàn thành chương trình trước đó và chờ lễ tốt nghiệp. Lễ tốt nghiệp diễn ra năm 2024 nhưng Thùy Tiên không dự do bận lịch cá nhân.
Chương trình đào tạo liên kết quốc tế do trường đại học nước ngoài cấp bằng không có xếp loại. Thùy Tiên nhận bằng cử nhân của Cộng hòa Pháp có giá trị toàn cầu, được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam công nhận".
Tuy nhiên, nhà trường không cung cấp thông tin chi tiết Thùy Tiên chính thức tốt nghiệp đại học thời gian nào và đã nhận bằng khi nào.
Trước đó, ngày 13-4-2022, trang Facebook chính thức của khoa du lịch nhà hàng khách sạn Trường đại học Hoa Sen đã đăng bài viết:
"Hoa hậu Thùy Tiên hoàn thành luận văn tốt nghiệp chương trình quốc tế Vatel.
Sáng 13-4-2022, Hoa hậu Hòa bình Quốc tế Nguyễn Thúc Thùy Tiên đã hoàn thành buổi báo cáo xuất sắc về bài luận văn tốt nghiệp của mình tại cơ sở Nguyễn Văn Tráng Trường đại học Hoa Sen. Ngoài tài năng và sự tài giỏi, hoa hậu Thùy Tiên còn làm các bạn sinh viên vô cùng tự hào với vẻ đẹp giản dị trong bộ đồng phục chương trình quốc tế Vatel"…
Kèm theo bài viết này có những hình ảnh hoa hậu Thùy Tiên trong buổi báo cáo luận văn tốt nghiệp.
Dân mạng dần "quay xe", lên án gia đình Kim Sae Ron và kênh "bóc phốt" vì xâm phạm quyền riêng tư - Ảnh: Soompi
Chiều 18-3, kênh YouTube Garo Sero Institute tiếp tục livestream bóc trần Kim Soo Hyun, dù trước đó phía nam diễn viên nỗ lực lên tiếng phủ nhận mọi cáo buộc.
Như thông báo trước đó, trong phiên livestream, Garo Sero Institute công bố video hẹn hò của Kim Soo Hyun và Kim Sae Ron và khẳng định nam diễn viên là người quay video này.
"Kim Sae Ron đang ngồi xem tivi cùng một người đàn ông. Khi cô bị nấc, người đàn ông nhẹ nhàng đặt tay lên lưng cô và xoa nhẹ để giúp cô dễ chịu hơn" - Garo Sero Institute chú thích.
'Quá đáng lắm rồi, dừng lại đi'
Những tưởng clip thân mật của cả hai sẽ là "bằng chứng thép" chống lại Kim Soo Hyun, song phản ứng của công chúng hoàn toàn ngược lại.
Trên mạng xã hội, nhiều người hâm mộ chỉ ra rằng đoạn video có thể không phải quay vào năm 2015. Bởi lẽ bản nhạc phát trong video ca khúc Solo của Jennie (BlackPink), ra mắt vào cuối tháng 11-2018.
Kim Sae Ron đau lưng, người đàn ông được cho là Kim Soo Hyun xoa lưng cho cô - Video: Garo Sero Institute
Dựa vào bối cảnh, có thể thấy căn hộ mà Kim Sae Ron đang ở là nhà do Gold Medalist - công ty quản lý của cả hai - cấp. Trước năm 2018, cô vẫn còn đang là diễn viên trực thuộc YG Entertainment, do đó việc cặp đôi hẹn hò trước khoảng thời gian này là bất hợp lý.
Ngoài ra, khán giả đánh giá trong video mà YouTube Garo Sero Institute tung ra, Kim Sae Ron trông có vẻ đã trưởng thành, không còn non nớt như các bức ảnh chụp lúc cô 16 tuổi.
Nhiều người lên án kênh Garo Sero Institute cố tình thiết kế thumbnail livesstream chiều 18-3 gây hiểu lầm - Ảnh: Garo Sero Institute
"Nhìn bạn ấy hạnh phúc chưa kìa. Tại sao lại biến mối tình đẹp thành câu chuyện biến thái không thể chấp nhận vậy?"; "Xem video chỉ thấy là những hành động bình thường của cặp đôi đang yêu. Vậy mà thiết kế thumbnail cố tình xuyên tạc để trông mọi thứ thật kinh khủng"...
"Tôi không hiểu tại sao cha mẹ Kim Sae Ron lại đòi công bằng cho con bằng cách này"; "Vấn đề là quen ở độ tuổi nào, chứ tung video như thế này thì chứng minh cái gì?; "Quá đáng rồi, dừng lại và để Kim Sae Ron yên nghỉ đi"... - một số bình luận của khán giả.
Nhân danh công lý hay chiêu trò câu view?
Đây không phải lần đầu tiên Garo Sero Institute đăng ảnh riêng tư của Kim Soo Hyun và Kim Sae Ron lên mạng xã hội. Thực tế trong 8 phiên livestream của kênh này, hầu như bản tin nào họ cũng sẽ "mồi chài" công chúng bằng các hình ảnh gắn mác "độc quyền" hay "bóc trần Kim Soo Hyun".
Ảnh riêng tư của Kim Soo Hyun bị công bố, dù trước đó Garo Sero Institute khẳng định sẽ không tung ra - Ảnh: Garo Sero Institute
Vào ngày 15-3, kênh truyền thông này còn công bố ảnh Kim Soo Hyun rửa bát tại nhà Kim Sae Ron.
Đáng nói, việc dùng nhãn dán đánh dấu bản quyền hình ảnh ngay điểm nhạy cảm khiến Kim Soo Hyun trông có vẻ như... không mặc quần.
Trước đó trưa 14-3, kênh này đe dọa sẽ tung ảnh nhạy cảm của nam diễn viên và úp mở rằng nếu "người đàn ông không mặc gì lúc rửa bát không xin lỗi thì sẽ công bố bức ảnh trên".
Tuyên bố chấn động của Garo Sero Institute khiến công chúng choáng váng, nhiều người lập tức canh livestream để hóng chuyện.
Tuy nhiên chiều 14-3, không có bất cứ ảnh nào được Garo Sero Institute tung ra vì theo kênh này, mẹ Kim Sae Ron sợ rằng nam diễn viên sẽ nghĩ quẩn nếu ảnh nhạy cảm lan truyền trên mạng.
Theo nhiều khán giả, việc công bố hình ảnh riêng tư của Garo Sero Institute thực chất chỉ là chiêu trò câu view.
Nếu thật sự đòi lại công bằng cho Kim Sae Ron, kênh này phải có những bằng chứng thuyết phục, có mốc thời gian rõ ràng, chứ không phải lấy ảnh riêng tư của người đã khuất để đạt được mục đích.
Phía Kim Soo Hyun từng lên án việc lấy người đã khuất để câu view - Ảnh: tvN
Về vấn đề này, phía Kim Soo Hyun cũng từng lên án: "Mối quan hệ giữa hai người trưởng thành, kết thúc từ quá khứ giờ đây đang bị bóp méo và lan truyền dưới dạng thông tin sai lệch.
Việc một người phải gánh chịu nỗi đau khi chuyện riêng tư của mình bị đưa ra công khai, trở thành đối tượng bàn tán là điều hết sức tàn nhẫn.
Hơn nữa, hành vi xâm phạm đời tư của người đã khuất và làm tổn hại đến danh dự của họ là một hành động hoàn toàn không thể chấp nhận".